Chú thích Rú_Thành

"Hưng quận chi nam – Hữu sơn ngật lập"- Phía nam phủ Hưng, núi Lam Thành đứng đó, chứng kiến bao cuộc thăng trầm trong lịch sử. Đặc biệt, ngót 400 năm Lam Thành là thủ phủ Xứ Nghệ, bao sự kiện trọng đại của đất nước đã diễn ra ở đây, bao con người tinh hoa dân tộc, đã có mặt ở đây, bao di tích lịch sử - văn hoá của quê hương đã và đang tồn tại ở đây.

  1. Ở làng Hưng Nhân, xã Hưng Lam (Nghĩa Liệt cũ) trước có chợ Sét, và phía ngoài bãi sông có vạn Sét (vạn Thanh Liệt). Có người cho rằng từ Nghĩa trong Nghĩa Liệt là do tước hiệu của Nghĩa vương Nguyễn Biểu
  2. Nhà thơ Phạm Ngộ, quê Hải Dương, làm quan đời Trần Minh Tông (1314 – 1329) trong bài thơ Du Phù Thạch nham có ghi: tiên tổ ông từng tu hành ở chùa Ân Quang.
  3. Đời chưa rõ từ bao giờ, phủ lị Đức Quang đặt ở giáp Cồn Trận – Văn Quang xã Phi Cảo, huyện La Giang, bên bờ sông La, cách ngã ba này không xa, nên có tên ấy.
  4. Các sách hiện nay đều chép Trạng nguyên Bạch Liêu dời ra ở xã Nghĩa Lư (Hải Dương) là không có căn cứ. Nếu ở Nghĩa Lư có chi họ Bạch thì có thể con cháu ông về sau dời ra mà thôi.
  5. Sách Khởi Nghĩa Lam Sơn chép: Nối với thành đá (Trương Phụ xây), còn di tích một toà thành hình chữ nhật, xây gạch vồ nằm từ chân núi đến bờ sông (Lam), chưa rõ cũng do Trương Phụ xây, hay sau này nhà Lê xây làm trị sở trấn Nghệ An. Trước đó sách La Sơn phụ tử Nguyễn Thiếp cũng có nói đến thành xây gạch này.
  6. Nguyễn Đức Tánh – Cuộc đi chơi Lam Thành – Tạp chí Nam Phong số 136, tháng 1 và 2- 1929.
  7. Bà họ Phạm, huý Ngọc Trần, là nguyên phi của vua Lê Thái Tổ. Bà mất trong thời gian vua vây thành Nghệ An. Đại Việt thông sử chép: Vua sai Lê Cố đưa về táng ở Thanh Hoa, tới làng Thịnh Mĩ (huyện Lôi Dương) trời tối dừng nghỉ lại, đến sáng thì mối đùn phủ kín quan tài thành nấm mồ. Vua sai dựng đền thờ ở đó và rước thần chủ về tế ở Lam Kinh. Theo lời truyền, Nguyễn Đức Trịnh ghi lại trên Nam Phong, thi mộ bà ở núi Na phía tây Hồng Lĩnh thuộc địa phận xã Quả Phẩm (nay là Xuân Lam, Nghi Xuân), còn theo Yên Hội thôn chí của Bùi Dương Lịch thì mộ bà tang ở xã Quyết Viết nay là làng Đồng Thái (xã Tùng Ảnh - Đức Thọ).
  8. Nay đền không còn, theo người địa phương đền bị nước lũ cuốn, sập đổ, rồi bị dỡ phá.
  9. Hoa Cái, trước là Đa Cải, là tên phiên âm kênh Gai, có nơi dịch ra chữ Hán là Ma Cảng. ‘Năm Quý Mão vua Lê Đại Hành sai vét kênh Đa Cái" (Toàn thư).